Thống kê truy cập
Truy cập trong ngày: 1157
Truy cập trong tuần: 6596
Tổng số lượt truy cập: 5770905
Bí thư Đà Nẵng: Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi
Phát biểu trước khoảng 500 CB, GV ĐH Duy Tân trong buổi đối thoại nhân dịp đầu năm học, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng chất lượng đầu ra của một sinh viên (SV) chưa hẳn phụ thuộc vào cấp bậc bằng cấp. Một học viên tốt nghiệp trung cấp y dược Đà Nẵng chẳng hạn có năng lực tốt hơn SV tốt nghiệp hệ Cao đẳng ở một số đơn vị đào tạo khác. Điều đó được kiểm chức ngay trong thực tế, ngay trong năng lực công tác của những học viên, SV sau khi tốt nghiệp. Để các đơn vị tuyển dụng tin cậy, để nâng cao uy tín thương hiệu của trường học một cách tốt nhất chính là đào tạo ra những người giỏi, có năng lực. Mà muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Đó là nguyên tắc, là yếu tố quyết định trước hết và trên hết. Cho nên trường học phải trọng thầy giỏi, tìm thầy giỏi, có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để thu hút nhân tài.
Ông Thanh dẫn chứng một trường hợp “chiêu hiền đãi sĩ” cụ thể như đích thân ông 5 lần 7 lượt mời cho được một vị GS.TS chuyên ngành hàng đầu từ Hà Nội về công tác tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Muốn xây dựng một tổ chức tốt thì chính tổ chức phải đi tìm những cán bộ giỏi, có năng lực chứ không chỉ việc ngồi đợi các ứng viên tìm tới. Một trường ĐH cũng vậy thôi. Khi mà chất lượng đầu ra của SV được khẳng định, dần dần sẽ tạo nên tiếng tăm cho trường học. Và khi đó, chính các đơn vị tuyển dụng sẽ “đặt hàng” ngay từ khi SV còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ SV ra trường không phải vác đơn đi xin việc.
Theo báo cáo của trường ĐH Duy Tân thì tỷ lệ SV, HS tốt nghiệp có việc làm là trên 85%. Song phải thẳng thắn nhìn nhận tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm nhờ những mối quan hệ sẵn có là bao nhiêu, tỷ lệ SV được các đơn vị tuyển dụng “trải thảm” dựa vào năng lực thực sự là bao nhiêu. Tỷ lệ SV được tuyển dụng dựa vào năng lực thực sự mới là con số chính xác nói lên chất lượng đào tạo của trường học.
Tư vấn định hướng đào tạo cụ thể cho trường hợp Trường ĐH Duy Tân, ông Thanh cho rằng trường không nên đào tạo tràn lan kiểu hệ nào cũng có, ngành nào cũng có kiểu “bách hóa tổng hợp”, mà phải tập trung vào các ngành mũi nhọn, dựa trên cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thế mạnh của nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Chẳng hạn như Đà Nẵng đang hướng tới phát triển ngành Công nghiệp công nghệ cao, CNTT; chẳng hạn Đà Nẵng đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch..., thì cứ bám vào nhu cầu nhân lực thực tế cho các ngành nghề, lĩnh vực trên mà đào tạo. Đừng để tình trạng phân bổ chỉ tiêu ồ ạt, các trường đào tạo tràn lan không định hướng, không nhắm tới nhu cầu thực tế của xã hội.
Trả lời trực tiếp câu hỏi của một giảng viên trong buổi đối thoại về việc trường ĐH Duy Tân có nên mở ngành đào tạo Y dược không, ông Thanh thẳng thắn nói không, đồng thời chỉ ra nguyên nhân đây không phải là thế mạnh đào tạo của trường, trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo tốt. Ngay thực tế ở Đà Nẵng, Trường CĐ Y tế có triển vọng phát triển đào tạo tạo các ngành này bởi họ thực sự có nền tảng, có thế mạnh đào tạo chuyên ngành này. ĐH Đà Nẵng cũng mở ngành này nhưng lại không có tiến triển.
Một giảng viên khác đưa ra vấn đề các doanh nghiệp còn phân biệt tuyển dụng giữa sinh viên trường công và trường tư, họ chê SV ngoài công lập và đặt câu hỏi làm thế nào để thay đổi thực trạng này. Ông Thanh quay trở lại vấn đề uy tín thương hiệu của trường học dựa trên chất lượng đầu ra. Để khẳng định mình, để SV ra trường được tiếp nhận, trọng dụng, nhà trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ra những người giỏi thì không bị doanh nghiệp phân biệt đối xử.
Khánh Hiền
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: